Lựa chọn ảnh trình bày cho trang nhất của báo

Một tờ báo đặt trên quầy hoặc giữa bàn càphê phải thu hút sự chú ý của những người đi ngang qua ngay từ cái nhìn đầu tiên. Để vượt qua "bài kiểm tra" này thì trang nhất của các tờ báo phải có tác động thị giác mạnh, và 99% thành công hay không phụ thuộc vào việc chọn một bức ảnh tốt.

Vấn đề chọn ảnh cho trang nhất thực ra không hề đơn giản chút nào. Ngay cả nhiều tờ báo lớn ở các nước có nền báo chí phát triển lâu đời cũng không thể luôn luôn cũng đạt điểm 10 cho yêu cầu này. Còn ảnh trên báo của Việt Nam thì thật... khó biết gọi là gì vì thường xuyên được chọn một cách quá cẩu thả (xin lỗi phải dùng từ này). "Khá khẩm" nhất là một tờ báo đưa một cái ảnh thật to cho một bài phóng sự "đinh" với cái tít thật hấp dẫn, thậm chí giật gân. Cũng có khi tấm ảnh được thay thế bằng một hình vẽ khá bắt mắt, nhưng về cơ bản thì điều thu hút độc giả chính là cái tiêu đề của bài viết chứ không phải chất lượng của ảnh.

Tất nhiên, còn nhiều tờ báo khác coi trang nhất như một gallery ảnh, hoặc tệ hơn là một... cửa hàng bán ảnh. Hãy thử xem trang nhất của mấy tờ báo lớn trong ngày 28/5/2007:

- Tuổi Trẻ: Bài "Đánh sập 5 'casino quốc tế ', thu giữ hàng triệu USD. Ảnh to được chú thích là "Các con bạc và nhân viên phục vụ năm 'casino quốc tế' tại nơi tạm giữ" nhưng trông giống cảnh học sinh nằm ngủ trong lớp học (hoặc hội nghị). Chất lượng ảnh xấu.

- Thanh Niên: Bài "Bộ Công an bắt 5 sòng bạc dành cho người nước ngoài tại TP.HCM, Vũng Tàu." Có hai ảnh nhỏ, trong đó ảnh "Những người đánh bạc được dẫn ra xe" thì cũng không khác ảnh chụp ở một sảnh tòa nhà nào đó, còn ảnh "Tang vật thu giữ được" thì không rõ là cái gì, chỉ có 3 người đang bê lên một chiếc xe pickup. Hai ảnh này có kích thước nhỏ như ảnh Tổng thống Chilê bắt tay Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thủ tướng Hy Lạp ở bên trên. Thiết kế trang này thậm chí bị rối.

- Sài Gòn Giải Phóng: Ảnh lớn nhất có hình ngôi nhà trên bãi biển không tạo cảm xúc gì đặc biệt và tít của bài là "Thu hút đầu tư vào Phú Quốc: Xếp hàng chờ duyệt dự án." Ngay góc trên bên trái, hơi so le một chút là ảnh hai thủ tướng Việt Nam và Hy Lạp lớn gần bằng chừng ấy. Ở góc dưới bên phải, cũng theo "thế so le" là hình quảng cáo trang Đầu tư Tài chính của báo. Ngoài ra còn có cái ảnh nhỏ về du khách nước ngoài.

- Lao Động: Một cái ảnh rất to chụp bên trong một quầy hàng ở chợ Bến Thành, đầy chai với lọ, còn tít của bài là "Xung quanh việc thông tin về nước tương chưa chất gây ung thư bị ém nhẹm: Cục ATVSTP phải chịu trách nhiệm." Ngay bên trên có cái ảnh nhỏ về Tổng Bí thư, ở cột bên trái, hơi lệch xuống dưới là ảnh ký kết văn bản hợp tác với Hy Lạp. Ngoài ra còn một ảnh ngập lụt và 4-5 ảnh be bé như... bao diêm chạy bên cột phải.

- Việt Nam News: 4 cái ảnh đứng rất chi là... cân đối ở 2 cột - hai ảnh nhỏ cân xứng bên trên, hai ảnh landscape cân xứng bên dưới, choán hơn một nửa mặt báo. Cũng đi theo 2 cột này là hai tin cân xứng ở bên dưới (ôi chao!), chưa kể một cái hộp giới thiệu bài cần chú ý ở bên trong (có ảnh nhỏ)

Tại sao những bức ảnh lẽ ra chỉ đáng nằm ở trang trong, và thậm chí cả những bức ảnh "giời ơi đất hỡi" lại có thể hiên ngang "ngồi" trên trang nhất như vậy? Vấn đề ở chỗ ảnh trên trang nhất vẫn bị coi là chỉ mang tính minh họa. Nhưng cần phải hiểu rằng ngay cả một tấm ảnh đầy tính nghệ thuật trên trang nhất chưa chắc đã là hay. Theo một bài viết trên Poynter Online, ảnh trên trang nhất trước hết phải có giá trị thông tin. Trang nhất càng không phải là cái gallery ảnh mà phải là đại lộ chính với bức ảnh báo chí đẹp nhất trong ngày, bức ảnh có thể truyền tải một câu chuyện, tạo ra một xúc cảm, kéo độc giả bật dậy khỏi ghế và khiến người đó cầm lấy tờ báo để đọc.

Ảnh trên trang nhất phải hấp dẫn, bất ngờ, và nói chung là nên có con người. Trang nhất không phải là nơi để đặt một bức ảnh tĩnh về Vịnh Hạ Long tuyệt đẹp, trừ phi có sự kiện quan trọng xảy ra ở đó, ví dụ một cuộc gặp thượng đỉnh. Và tất nhiên là không chỉ bức ảnh chính trên trang nhất đòi hỏi được lựa chọn kỹ càng, kể cả những ảnh khác, ví dụ ảnh trong hộp giới thiệu bài ở các phần khác của tờ báo, cũng cần được chăm chút.

Trừ vài ngoại lệ, không nên đặt lên trang nhất một tin đồ họa thật lớn vì nó đòi hỏi độc giả phải nghiên cứu kỹ lưỡng để biết nội dung. Tin đồ họa là một trong những "kỹ xảo" kể chuyện cực kỳ hiệu quả mà các báo nên dùng, nhưng hãy dùng ở các trang trong./.

Nguồn: vietnamjournalism